Cách xây kích thước lỗ cửa ra vào nhà yến dễ dụ nhiều chim

Xây lỗ vào nhà yến rất quan trọng bởi ảnh hưởng rất lớn đến khả năng dẫn dụ chim, tốc độ tăng trưởng đàn chim trong nhà.

Lỗ vào nhà yến (cửa ra vào cho chim hay cửa thu chim) là nơi để chim yến bay vào, bay ra nhà yến. Đây là một phần rất quan trọng trong nhà yến, ảnh hưởng lớn đến khả năng dẫn dụ chim yến, tốc độ tăng trưởng đàn chim trong nhà yến.

Các kiểu lỗ vào nhà yến

Có 3 kiểu lỗ vào nhà yến: chuồng cu, bên hông và mở trên nóc.

Chuồng cu

Chuông cu là phần không gian được xây cao hơn mái nhà (sân thượng) từ 1,5 – 3 m. Chuồng cu nằm ngay phía trên phòng lượn và hoàn toàn thông với phòng lượn. Những nhà yến xây chuồng cu, khi quan sát từ bên ngoài sẽ thấy có một phòng cao phần còn lại, đây chính là chuồng cu. Nếu nhà yến có chuồng cu thì lỗ vào nhà yến sẽ đặt ở chuồng cu thay vì phòng lượn.

Ưu điểm:

Chuồng cu giúp nâng cao miệng lỗ vào nhà yến. Nhờ đó mà chim dễ dàng dò đường hơn, tạo đường bay thoáng hơn, không bị nhà cửa, cây cối, dây điện… bên dưới cản trở. Nhờ đấy có thể tăng khả năng dẫn dụ thêm nhiều chim mới vào nhà.

Chuồng cu giúp nâng cao miệng lỗ vào nhà yến
Chuồng cu giúp nâng cao miệng lỗ vào nhà yến

Xem thêm:

Đặt miệng lỗ trên chuồng cu còn có tác dụng dễ dàng kiểm soát được cường độ ánh sáng và âm thanh. Từ đó có thể kiểm soát tốt các yếu tố quan trọng khác như nhiệt độ, độ ẩm, gió lùa… Do miệng lỗ nằm phía trên cao nên ánh sáng, gió khó lọt được vào các phòng làm tổ bên dưới. Độ ồn bên trong nhà yến cũng dễ khống chế hơn.

Xây thêm chuồng cu cũng giúp hạn chế mùi hay khói bụi ô nhiễm xung quanh (nếu có) ảnh hưởng đến nhà yến, giảm thiểu các loại thiên địch (tắc kè, thằn lằn…) lọt vào nhà, tránh trộm cắp…

Cần lưu ý:

Kiểu chuồng cu tốn kém hơn các kiểu khác do phải thêm chi phí xây dựng thêm. Việc chuồng cu nằm quá cao cũng gây ít nhiều khó khăn khi cần tu sửa.

Khi thiết kế chuồng cu phải tính toán sao cho tạo được không gian chuyển tiếp xuống phòng lượn và đến phòng làm tổ một cách hợp lý. Chuồng cu tốt nhất nên có diện tích bằng phòng lượn (tối thiểu 4 x 4m), thông suốt với phòng lượn, nghĩa là từ các vách tường của phòng lượn xây thẳng lên cao. Như vậy sẽ rộng rãi và thoải mái, không gây cản trở, hình thành lộ trình bay dễ dàng và thuận tiện cho chim yến.

Mở cửa bên hông

Với kiểu này, lỗ vào nhà yến sẽ đặt ở bên hông của phòng lượn, thường là bức tường đối diện với cửa dẫn vào của các tầng.

Ưu điểm:

Kiểu lỗ vào nhà yến bên hông có chi phí rẻ nhất bởi chỉ cần khoét lỗ trên tường, rất đơn giản. Kiểu lỗ này cũng tạo đường bay thuận tiện để chim yến bay vào khám phá bên trong nhà.

Kiểu lỗ vào nhà yến bên hông có chi phí rẻ nhất bởi chỉ cần khoét lỗ trên tường
Kiểu lỗ vào nhà yến bên hông có chi phí rẻ nhất bởi chỉ cần khoét lỗ trên tường

Cần lưu ý:

Kiểu lỗ vào nhà yến bên hông thường không được ưa chuộng bởi khó thể kiểm soát ánh sáng, độ ồn, nhiệt độ, độ ẩm, gió lùa… Vì miệng lỗ nằm gần cửa thông vào các phòng làm tổ nên ánh sáng dễ lọt vào bên trong, nhất là những phòng làm tổ giáp liền với phòng lượn. Độ ồn cũng khó khống chế.

Mở nóc

Mở nóc (hay ô thiên) là kiểu đặt lỗ vào nhà yến ngay trên phần mái (nóc) của phòng lượn, giống như giếng trời.

Ưu điểm:

Kiểu lỗ vào nhà yến này dễ dàng thu hút chim bay vào khám phá bên trong. Độ ồn cũng được khống chế tốt. Chi phí xây dựng rẻ.

Cần lưu ý:

Xây kiểu lỗ mở nóc có nhược điểm là bên trong nhà dễ bị ngập nước vào mùa mưa bão. Ánh sáng cũng khó kiểm soát, gió dễ lùa thẳng vào nhà. Thiên địch cũng dễ bay vào.

So sánh ưu nhược điểm của các kiểu trên thì chuồng cu là kiểu được đánh giá hiệu quả nhất. Đa số nhà yến hiện nay đều sử dụng chuồng cu.

Hướng lỗ vào nhà yến

Nhà yến nên có từ 1 – 2 lỗ cho chim ra vào, tốt nhất là 2 lỗ. Vị trí đặt lỗ chim vào nhà yến cần dựa trên hướng bay về của đàn chim vào mỗi chiều. Lỗ chim tốt nhất nên nằm ở phía đối diện, đón trọn đường bay về của đàn chim. Điều này sẽ giúp dễ dàng dẫn dụ chim vào nhà chơi, nhanh chóng gia tăng số lượng chim trong nhà.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong tự nhiên chim yến thường tập trung 3 hướng Đông, Nam và Bắc. Cửa hang hướng Đông chiếm hơn 50%, còn lại là cửa hang hướng Nam và Bắc. Chim yến thích chọn hang hướng Đông vì sự tương thích về thời gian kiếm ăn với chu kỳ chiếu sáng. Do đó đa số nhà yến đều mở lỗ chim ra vào theo hướng Đông và Nam hoặc Đông và Bắc. Một số nhà yến hiện nay mở cửa theo hướng Đông Bắc và Tây Nam cũng rất thành công.

Đa số nhà yến đều mở lỗ chim ra vào theo hướng Đông và Nam hoặc Đông và Bắc
Đa số nhà yến đều mở lỗ chim ra vào theo hướng Đông và Nam hoặc Đông và Bắc

Xem thêm:

Riêng với nhà yến ở các tỉnh duyên hải miền Trung thì hạn chế mở lỗ hướng Bắc và hướng Tây. Bởi lỗ hướng Bắc dễ bị gió lạnh ảnh hưởng vào mùa đông, còn lỗ hướng Tây bị nắng chiếu nhiều vào buổi chiều. Ngoài ra việc chọn hướng lỗ vào nhà yến cũng cần xem xét đến các yếu tố vật cản xung quanh nhà như nhà ở, cây cối…

Vị trí lỗ vào nhà yến

Nên chọn vị trí lỗ vào nhà yến dựa trên lộ trình bay của chim yến. Bởi nếu đặt vị trí lỗ không phù hợp, đường bay bị cản trở, khó khăn thì sẽ khó thu hút được chim yến vào sinh sống, nhà không có chim hoặc số lượng chim tăng chậm chạp.

Với những nhà yến có kích thước nhỏ, phòng lượn nhỏ thì nên đặt lỗ gần góc tường, còn lỗ vào thông với mỗi tầng phòng làm tổ thì đặt ở gần góc tường đối diện. Như vậy khi chim vào sẽ bay theo đường chéo, có nhiều không gian hơn, giúp chim bay vào dễ hơn.

Nên chọn vị trí lỗ vào nhà yến dựa trên lộ trình bay của chim yến
Nên chọn vị trí lỗ vào nhà yến dựa trên lộ trình bay của chim yến

Ngoài ưu tiên đường chim bay, khi chọn vị trí lỗ vào nhà yến còn cần tính toán sao cho kiểm soát tốt được ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, gió lùa và âm thanh trong nhà yến.

Kích thước cửa ra vào nhà yến

Kích thước của ra vào cho chim yến rất quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian chờ đợi để chim bay ra vào, ánh sáng, luồng gió, độ an toàn – khả năng tránh địch hại…

Cửa cho chim không nên quá nhỏ vì chim rất khó bay vào. Khi số lượng chim trong nhà tăng cao dễ xảy ra tình trạng tranh nhau. Chim non còn yếu bay ra nhưng lại không thể bay vào sẽ bị chết bên ngoài hay tìm nhà yến khác. Trái lại, kích thước cửa cũng không nên quá to. Bởi sẽ dễ thu hút thiên địch, đặc biệt là khó kiểm soát ánh sáng lọt vào bên trong. Do đó nên tính toán chọn kích thước vừa đủ, hợp lý.

Kích thước lỗ vào nhà yến có thể từ 30 – 100cm (ngang và cao) tuỳ theo số lượng lỗ, độ lớn của chuồng cu hay phòng lượn. Có nhiều kiểu lỗ như lỗ hình vuông, lỗ hình chữ nhật đứng hay hình chữ nhật ngang. Kích thước lỗ nhà yến hợp lý và cho kết quả tốt nhất là 60 x 80cm hay 70 x 90cm (ngang x cao) tạo thành hình chữ nhật đứng. Hiện nay một số chủ nhà yến vận dụng thêm yếu tố phong thuỷ, điều chỉnh lại một chút thành kích thước 68 x 88cm.

Kích thước lỗ vào nhà yến lý tưởng nhất là 70 x 90cm (ngang x cao)
Kích thước lỗ vào nhà yến lý tưởng nhất là 70 x 90cm (ngang x cao)

Xem thêm:

Một số người thường lo ngại nếu xây lỗ vào nhà yến to dễ gặp chim cú. Vấn đề này không cần phải lo quá sớm vì cái đáng quan tâm đầu tiên là làm sao để dẫn dụ chim yến vào nhà yến nhanh và nhiều nhất. Do đó không nên làm lỗ vào nhà yến quá bé. Đến khi số lượng chim trong nhà đạt được một mức nhất định và tăng trưởng đều thì có thể thu nhỏ lỗ lại hay lắp thêm hệ thống chống cú.

Còn với cửa ra vào nhà yến dành cho người, chỉ nên xây 1 cửa và cửa này dẫn đến phòng kỹ thuật, tránh xây cửa dẫn trực tiếp đến phòng làm tổ của chim.


Câu hỏi thường gặp về lỗ vào nhà yến

Kích thước cửa ra vào nhà yến bao nhiêu là được?

Trả lời: Kích thước cửa ra vào nhà yến dành cho chim lý tưởng nhất là ngang khoảng 60 – 70cm, cao khoảng 80 – 90cm. Kích thước này đủ rộng rãi để chim ra vào thoải mái.

Nên xây kích thước chuồng cu nhà yến bao nhiêu?

Trả lời: Kích thước chuồng cu nên bằng kích thước phòng lượn, tối thiểu từ 4 x 4m trở lên. Điều này giúp tạo ra đường bay thông suốt và thoải mái nhất cho chim yến.

Nên xây mấy lỗ vào nhà yến?

Trả lời: Có thể xây từ 1 – 2 lỗ vào nhà yến nhưng tốt nhất nên xây 2 lỗ đặt ở 2 hướng khác nhau để dễ dẫn dụ chim yến từ nhiều hướng hơn.

Chia sẻ ý kiến