Kích thước, diện tích, cấu trúc nhà nuôi chim yến lý tưởng

Xây đúng kích thước nhà nuôi yến lý tưởng sẽ giúp dễ dàng và nhanh chóng dẫn dụ được nhiều chim yến bay vào sinh sống, làm tổ.

Kích thước nhà nuôi yến là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sau này. Để có thể dụ được chim yến vào sinh sống và làm tổ, kích thước xây nhà yến phải dựa trên tập tính, thói quen của loài chim này.

Hướng của nhà chim yến

Nhà yến tốt nhất là nên xây theo trục Đông Tây hoặc ngược lại. Vì ánh nắng mặt trời buổi sáng hay buổi chiều chiếu trực tiếp vào 2 bên tường, dễ làm tăng nhiệt độ bên trong nhà yến. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh sống và làm tổ của chim. Do đó không nên xây nhà yến theo trục Bắc Nam.

Ngoài ra, việc xác định hướng của nhà yến còn cần dựa vào đường bay của đàn chim yến theo chiều bay về tổ mỗi chiều. Hướng nhà yến cũng như các lỗ vào nhà yến phải đặt đối diện đường bay về của chim. Trong trường hợp quan sát thấy có nhiều đường bay thì nên ưu tiên chọn hướng của nhà yến theo đường bay có số lượng chim lớn nhất.

Nhà yến tốt nhất là nên xây theo trục Đông Tây hoặc ngược lại
Nhà yến tốt nhất là nên xây theo trục Đông Tây hoặc ngược lại

Xem thêm:

Kích thước nhà nuôi yến

Chim yến rất thích sống và làm tổ ở những khu vực hơi tối bởi chỉ như vậy chúng mới cảm thấy an toàn. Tuy tối nhưng không gian cũng cần phải rộng rãi để yến tự do bay lượn. Đây chính là lý do vì sao yến thường làm tổ trong các hang động lớn.

Nhà nuôi yến càng rộng càng thông thoáng càng tốt, chim yến có thể thoải mái sải cánh, không bị va vướng, gò bó. Nhìn chung kích thước nhà yến có thể linh hoạt thay đổi tuỳ vào điều kiện đất đai của chủ nhà.

Trước đây có thể xây nhà yến nhỏ diện tích từ 50m2. Nhưng hiện nay vì tính cạnh tranh ngày càng cao nên muốn hiệu quả diện tích nhà nuôi yến cần phải tối thiểu từ 100m2 trở lên. Diện tích nhà nuôi yến lý tưởng nhất là khoảng 150 – 200m2, có thể xây 1 – 5 tầng. Đây là diện tích nhà yến phổ biến ở Indonesia. Theo các chuyên gia, so sánh diện tích nhà yến 150 – 200m2 với hang động tự nhiên ở Khánh Hoà thì tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng, dễ thành công về mặt sinh học.

Chim yến thích làm tổ yến ở những hang động diện tích lớn. Với hang có diện tích khoảng 200m2 thì trung bình thu được 54 tổ/m2/năm, diện tích 500m2 thì trung bình 163 tổ/m2/năm. Trong khi những hang có dưới 80m2 thì sản lượng rất ít.

Đất 100m2 ở Việt Nam thường có kích thước 5 x 20m (ngang x dài). Với hình dạng miếng đất này xây nhà yến 1 – 3 tầng cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại mô hình nhà yến 5 x 20m không còn phù hợp nữa.

Bởi chim yến thích rộng rãi nên để tăng tính cạnh tranh với những nhà yến khác, người ta đã dần chuyển sang mô hình nhà yến có chiều ngang rộng hơn, tối thiểu từ 8m. Như vậy nếu miếng đất diện tích khoảng 100m2 thì kích thước lý tưởng sẽ là 8 x 12m (ngang x dài) thay vì 5 x 20m.

Nhà yến có chiều rộng tối thiểu 8m thay vì hình ống 4 – 5m như trước đây sẽ có các lợi thế sau:

Mát mẻ hơn: Nhà yến có chiều ngang rộng sẽ mát mẻ hơn, giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm dễ dàng hơn.

Có được 2 phòng VIP: Phòng VIP là phòng ở trong cùng (phòng cuối) tạo không gian như hang động, tối nhất, an toàn nhất nên chim thường tập trung nhiều ở phòng này. Nhà yến hình ống chiều ngang 4 – 5m thì mỗi tầng chỉ có được 1 phòng VIP. Nhưng nhà yến ngang 8 – 10m thì mỗi tầng có được đến 2 phòng VIP.

Tạo đường bay thoải mái: Nhà ống chiều ngang 4 – 5m chỉ có 1 đường bay và thiết kế theo kiểu zic zac. Còn nhà yến ngang 8 – 10m, đường bay chính từ phòng lượn có thể chia ra thành 2 đường bay, 1 đường dẫn vào 2 phòng, 1 đường dẫn vào 3 phòng. Chim yến bay theo hình vòng cung nên nhà yến có chiều ngang càng rộng sẽ tạo được đường bay thoải mái hơn.

Kích thước phòng lượn nhà yến

Mỗi nhà yến cần có một phòng lượn, còn gọi là lỗ thông tầng. Đây là phòng bố trí lỗ vào nhà yến cho chim. Mục đích của phòng lượn là giúp chim yến có thời gian làm quen với môi trường bên trong nhà yến, quen dần với bóng tối khi vừa bay vào từ ngoài trời sáng.

phong luon la giup chim yen co thoi gian lam quen voi moi truong ben trong nha yen

Đây còn là nơi giúp “ổn định hàng ngũ”, để yến lần lượt bay ra hay vào miệng lỗ lúc nhà đã có nhiều chim. Điều này giúp tránh tình trạng chim chen lấn tranh nhau bay ra bay vào, nhất là thời điểm chiều tối sau khi đi kiếm ăn chim thường bay về tổ cùng lúc. Phong lượn cũng là nơi chim non tập bay, luyện mình cứng cáp trước khi chính thức bay ra ngoài.

Khi chim bay vào nhà thường sẽ lượn trong phòng này rồi mới bay tiếp vào phòng làm tổ. Do đó cách thiết kế, bố trí và đặc biệt là kích thước phòng lượn rất quan trọng. Phòng lượn cần được thiết kế thông suốt từ trên xuống. Với nhà có nhiều tầng thì phòng lượn sẽ thông tầng giống như giếng trời của nhà ở, để chim có thể tự do bay lượn giữa các tầng.

Kích thước phòng lượn nhà yến tối thiểu nên rộng từ 4 – 5m tạo không gian giống như khe sâu hang đá. Với những nhà yến rộng, phòng lượn thường thiết kế theo hình chữ T. Còn nhà yến hẹp thì đặt ở gian cuối.

kich thuoc phong luon nha yen ly tuong la tu 5 x 5 m

Xem thêm:

Không nên vì tiết kiệm diện tích mà xây phòng lượn quá nhỏ. Bởi phòng lượn quá nhỏ sẽ gây khó khăn khi chim bay vào, nhất là chim non mới biết bay có thể bay ra nhưng khó bay vào, dẫn đến chim chết bên ngoài hoặc tìm nhà yến khác. Do đó, phòng lượn tuy không phải là nơi chim làm tổ nhất nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dụ thêm chim mới, gia tăng số lượng đàn chim.

Phòng lượn không cần xây dựng hay lắp đặt thêm bất kỳ thứ gì nhằm đảm bảo không gây cản trở đường chim bay. Ở phòng lượn, chim yến chỉ bay chứ hiếm khi đậu hay đi, do đó phòng lượn chỉ cần thiết kế đơn giản, chủ yếu tạo được sự thông thoáng và rộng rãi nhất có thể.

Kích thước phòng làm tổ chim yến

Trong nhà yến, ngoài phòng lượn và phòng kỹ thuật thì toàn bộ không gian còn lại đều dành cho chim làm tổ. Phòng làm tổ cần thiết kế tạo môi trường lý tưởng nhất về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không gian… để chim làm tổ. Đây là phòng quan trọng nhất, nơi trực tiếp mang đến nguồn thu nhập và lợi nhuận cho chủ nhà.

Không gian chim làm tổ nên phân chia thành nhiều phòng nhỏ. Điều này giúp kiểm soát gió và ánh sáng dễ hơn, chim cảm thấy an toàn hơn và cũng có nhiều lựa chọn. Chim nào thích sáng thì chọn phòng bên ngoài. Chim nào ưa tối thì chọn phòng bên trong. Mỗi phòng tạo ra 1 đàn chim khác nhau. Những nhà yến phân chia thành nhiều phòng nhỏ thường có tốc độ tăng đàn nhanh hơn.

Kích thước phòng chim làm tổ nên có diện tích 4 x 4m. Trường hợp phòng hẹp hơn thì cần tăng chiều cao hoặc bỏ vách ngăn giữa hai phòng liền kề để tạo thành phòng lớn. Nếu phòng có kích thước quá rộng thì cứ 4m lắp một vách ngăn để chắn bớt gió, ánh sáng, giúp chim cảm thấy an toàn hơn. Nên phân phòng bằng bạt. Cách này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn có thể tháo lắp linh hoạt.

Phòng làm tổ nhà yến nên có diện tích 4 x 4m
Phòng làm tổ nhà yến nên có diện tích 4 x 4m

Xem thêm:

Giữa các phòng bố trí cửa thông với nhau sao cho tạo được đường bay xuyên suốt dẫn đến phòng cuối cùng. Kích thước cửa thông tương tự như nhà ở, rộng 1,2m và cao 2,4m. Cần đảm bảo không có bất kỳ vật cản nào ở cửa thông hay trên đường bay của chim dẫn đến các phòng làm tổ.

Mỗi tầng nhà yến nên có độ thoáng nhất định. Bởi tập tính của chim yến thường sẽ thả rơi tự do trước khi cất cánh. Nếu trần nhà quá thấp thì chim sẽ gặp khó khăn khi bay, nhất là chim non tập bay. Do đó độ cao của trần nhà yến phải đảm bảo được khoảng thả rơi của chim yến trước khi bay, ít nhất từ 2m trở lên.

Độ cao phòng chim yến lý tưởng nhất nên từ 2,8 – 3,5m. Nếu muốn tiết kiệm chi phí xây dựng có thể chọn 2,8m. Tuy nhiên hiện nay đa số nhà yến đều xây phòng làm tổ cao 3,2m hoặc 3,5m để có thể linh hoạt cải tạo thành nhà ở, khách sạn phòng trường hợp nhà yến thất bại.

Chiều cao phòng nuôi yến nên từ 2,8 – 3,5m
Chiều cao phòng nuôi yến nên từ 2,8 – 3,5m

Bên cạnh dựa trên tập tính bay lượn của chim yến thì chiều cao các tầng nhà yến còn cần căn cứ vào những yếu tố quan trọng khác như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… Không nên xây phòng làm tổ quá cao vì sẽ khó kiểm soát độ ẩm. Chỉ nên xây ở mức vừa phải, vừa giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, vừa dễ thu tổ, dễ chăm sóc, dễ kiểm soát độ ẩm…

Với nhà yến nhiều tầng, tầng trên hứng nắng nhiều hơn tầng dưới nên nhiệt độ cao hơn. Vì thế người ta thường điều chỉnh tầng trên cào hơn tầng dưới để tạo được độ thông thoáng, mát mẻ. Với nhà yến 3 tầng, tầng trệt thường xây cao 3 – 3,2m, tầng hai cao 3,2 – 3,5m và tầng ba 3,5 – 3,7m. Tuy nhiên nếu phần mái đổ bê tông và lợp thêm tôn thì tầng trên cũng rất mát, không nhất thiết phải tăng thêm chiều cao giữa các tầng.

Ngoài ra, cần xem xét đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ trung bình của khu vực xây dựng nhà yến. Nếu nhiệt độ trung bình dưới 27 độ C thì độ cao các tầng nhà yến chỉ nên dao động từ 2,8 – 3,2m. Còn nếu nhiệt độ trung bình trên 27 độ C để mát mẻ thì nên xây cao từ 3 – 3,5m hoặc hơn.

Nếu ánh sáng từ phòng lượn lọt vào phòng làm tổ quá nhiều có thể giảm sáng bằng cách dựng thêm một phòng đệm nhỏ giữa phòng lượn và phòng làm tổ. Phòng làm tổ cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi chim yến: nhiệt độ duy trì ở mức 27 – 29 độ C, độ ẩm duy trì ở mức 70 – 85 độ C, ánh sáng duy trì ở mức 0,02 – 0,2 lux.

Phòng kỹ thuật

Phòng kỹ thuật là nơi tập trung các hệ thống để vận hành toàn bộ nhà yến như: điều khiển hệ thống điện, âm thanh (amply), camera quan sát, hệ thống tạo ẩm, hệ thống tạo mùi, bơm nước… Phòng kỹ thuật có thể đặt ở phía góc đầu nhà, ngay cửa ra vào để tránh ảnh hưởng đến các phòng làm tổ bên trong.


Câu hỏi thường gặp về kích thước nhà nuôi yến

Diện tích xây dựng nhà yến bao nhiêu là được?

Trả lời: Diện tích nhà nuôi yến tối thiểu nên 100m2 trở lên, lý tưởng nhất là từ 150 – 200m2.

Nên xây nhà yến mấy tầng?

Trả lời: Nhà yến có thể xây từ 1 – 5 tầng tuỳ vào diện tích đất, điều kiện tài chính, vị trí xây…

Chi phí xây nhà yến 100m2?

Trả lời: Chi phí xây nhà yến trọn gói (bao gồm cả xây dựng phần thô và chi phí lắp đặt thiết bị kỹ thuật) hiện nay từ 3,5 – 4 triệu đồng/m2. Nếu xây nhà yến 100m2 thì chi phí khoảng từ 350 – 400 triệu đồng. Xây 1 trệt và 1 lầu thì tầm 700 – 800 triệu đồng.

Chia sẻ ý kiến