Hướng dẫn cách chọn địa điểm, vị trí xây nhà nuôi yến

Chọn địa điểm, vị trí xây nhà nuôi yến rất quan trọng. Nhà yến thành hay bại được quyết định rất lớn bởi bước đi đầu tiên này.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của nhà nuôi chim yến. Tuy nhiên, vị trí xây nhà là yếu tố quan trọng hàng đầu, không chỉ ảnh hưởng mà còn quyết định luôn việc nhà yến thành công hay thất bại. Bởi nếu chọn vị trí nhà yến không đúng thì xem như “sai một li đi một dặm”. Nhà yến sai thiết kế, sai kỹ thuật còn có cơ hội để sửa chữa, khắc phục, còn một khi đã sai vị trí thì chỉ “bỏ đi”.

Sai vị trí ở đây nghĩa là chọn nhầm nơi ít chim yến sinh sống, điều kiện tự nhiên môi trường không phù hợp. Ngoài ra, sai vị trí cũng có thể là nơi nhiều chim nhưng lại đang có sẵn quá nhiều nhà yến xung quanh nên đã khai thác gần cạn nguồn chim. Do đó, khi dự định xây nhà yến, điều đầu tiên cần làm là phải chọn đúng vị trí. Thành hay bại chủ yếu ở bước này.

Khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến cần xem xét đến các tiêu chí sau:

Khu vực từ đèo Hải Vân trở vào Nam

Khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến chỉ nên chọn những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài yến. Chim yến thường phân bố ở hầu khắp các quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Việt Nam may mắn sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp thu hút chim yến và phát triển tạo nên những quần thể yến rất lớn.

Nước ta không chỉ có đường bờ biển dài, nhiều đảo và núi nhô ra biển mà còn được dãy Trường Sơn bao bọc, đa dạng kiểu rừng như rừng kín lá, rừng thưa cây, rừng ngập mặn, rừng núi đá vôi… Điều này mang đến nguồn thức ăn cực kỳ dồi dào và môi trường sống lý tưởng cho loài yến.

Đàn chim yến Việt Nam được phân thành 2 nhóm: nhóm hoang dã tập trung ở khu vực ven biển và các đảo (gọi là chim yến đảo) và nhóm bán hoang dã cư trú trong các nhà yến do con người xây dựng (gọi là chim yến nhà).

Các tỉnh ven biển bắt đầu từ miền Trung, đặc biệt từ Quảng Bình trở vào Nam đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều có đàn yến. Trong đó 3 quần thể lớn nhất nằm ở Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hoà.

Còn yến nhà phân bố rộng và đều khắp vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến nay Việt Nam có hơn 42 tỉnh, thành phố có nhà yến. Trong đó tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiềng Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…

Khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến chỉ nên chọn những nơi có điều kiện khí hậu, thời tiết phù hợp với loài chim yến
Khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến chỉ nên chọn những nơi có điều kiện khí hậu, thời tiết phù hợp với loài chim yến

Xem thêm:

Chim yến ở Việt Nam ưa khí hậu ấm áp, mùa đông không quá lạnh. Nhiệt độ sinh sống lý tưởng nhất của chim yến là từ 22 đến 35 độ C, độ ẩm 70 – 85%. Môi trường ấm áp quanh năm sẽ tạo điều kiện để chim yến sinh sản một cách thuận lợi và đều đặn.

Tuy nằm trong vùng nhiệt đới nhưng khí hậu Việt Nam lại có sự khác biệt theo từ vùng. Không nên xây nhà nuôi yến ở khu vực từ phía Bắc đèo Hải Vân trở ra. Bởi miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc. Vùng phía Bắc đèo Hải Vân tuy mùa đông ít hơn nhưng hình thế lại đón trực diện gió mùa Đông Bắc nên vẫn bị ảnh hưởng, kèm theo mưa nhiều.

Cuối năm ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường lạnh, nhiều nơi nhiệt độ dưới 15 độ, thậm chí có rét đậm rét hại. Thời tiết quá khắc nghiệt như rét hay mưa nhiều có thể khiến chim chết vì lạnh hay vì đói do không có thức ăn (côn trùng bay). Biên độ nhiệt lớn, khí hậu biến động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tăng trưởng đàn chim trong nhà.

Trong khi đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận (phía Nam đèo Hải Vân) cũng tương tự Bắc Trung Bộ nhưng nhiệt độ cao hơn. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khí hậu nhiệt đới xavan với mùa khô và mùa mưa rõ rệt, quanh năm ấm áp, biên độ nhiệt nhỏ hơn so với miền Bắc, khí hậu ít biến động.

Do đó khu vực từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào sẽ phù hợp để xây nhà nuôi yến hơn. Tuy nhiên không phải vị trí nào ở khu vực này xây nhà yến cũng đều thành công. Sau khi khoanh vùng được khu vực tốt còn cần phải xem xét đến nhiều yếu tố khác.

Nơi cao dưới 500m

Không nên chọn địa điểm nuôi yến ở những nơi quá cao, nhất là cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Thật ra chim yến vẫn sinh sống được ở những nơi cao hơn 1.000m. Tuy nhiên sau khi sinh sản, chim con cũng thường có xu hướng bay đi tìm nơi có độ cao thấp hơn.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, nơi xây nhà yến lý tưởng nên là các vùng cao dưới 500m, tốt nhất là dưới 300m so với mực nước biển. Bởi nếu cao trên 500m mùa đông vẫn khá lạnh, chim con dễ chết, chim bố mẹ cũng có hiện tượng di cư đến nơi nóng hơn. Điều này khiến hàng năm nhà yến sẽ bị thất thoát một lượng lớn chim.

Khu vực cho phép theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP

Điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP nói về quản lý nuôi chim yến như sau: “Vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.”

Do đó khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến nên tránh thành phố, thị trấn, khu vực dân cư đông đúc… Thay vào đó ưu tiên chọn khu vực nông thôn, thưa dân cư… Như vậy vừa thuận lợi cho việc phát triển nhà yến, vừa không ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.

Rộng rãi, thông thoáng

Chim yến rất thích bay lượn ở những nơi thoáng đãng. Do đó khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến nên ưu tiên các khu đất rộng, thoáng, ít vật cản trên đường chim bay.

Khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến nên ưu tiên các khu đất rộng, thoáng
Khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến nên ưu tiên các khu đất rộng, thoáng
Xem thêm:

Gần nguồn nước sạch

Nguồn nước sạch tự nhiên là một trong những yếu tố cần đặc biệt chú ý khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến. Nên ưu tiên xây nhà ở địa điểm gần các nguồn nước sạch tự nhiên như ao hồ, sông suối… Bởi chim yến thường uống nước và tìm thức ăn gần đó. Những nơi không gần nguồn nước sẽ khó khai thác cũng như phát triển đàn chim.

Gần nguồn thức ăn

Tuy gọi là yến nhà hay yến nuôi nhưng thực tế chim yến vẫn giữ tập tính tự bay đi kiếm ăn ngoài tự nhiên. Thức ăn của chim chủ yếu là các loại côn trùng, ưu thích nhất là ong, kiến, rồi đến ruồi, muỗi, bọ rùa, cào cào, cánh tơ…

Do đó khi chọn vị trí nhà yến cần chú ý đến nguồn thức ăn. Nên ưu tiên xây nhà gần khu vực nhiều cây cỏ, đồng lúa, ao hồ… Do những nơi này thường có nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến. Tránh xây nhà yến ở những nơi gần nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp, mức độ đô thị hoá cao… Vì nguồn thức ăn khan hiếm hơn, mặt khác môi trường cũng dễ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn.

Ngoài ra cũng lưu ý tránh xây nhà yến gần tổ hay những nơi thường có quạ, chim cắt, đại bàng… Bởi các loài chim này ăn thịt chim yến nên yến rất sợ, dễ bay đi nơi khác.

hà yến cần chú ý đến nguồn thức ăn, nguồn nước sạch
Khi chọn vị trí nhà yến cần chú ý đến nguồn thức ăn, nguồn nước sạch

Nhiều chim sinh sống

Nơi có nhiều chim sinh sống chính là yếu tố quan trọng quyết định vị trí nhà yến. Lý tưởng nhất nên xây nhà gần đường bay của chim, gần nơi chúng đi kiếm ăn. Điều này giúp chủ nhà dễ dàng sử dụng âm thanh để dụ yến bay vào. Nếu chim yến thấy điều kiện nhà ở phù hợp, chúng sẽ ở lại, càng ngày càng dẫn dụ thêm nhiều chim hơn.

Có hai cách để biết một nơi nào đó nhiều hay ít chim yến. Đầu tiên là quan sát trong tầm bán kính 5 – 7 km quanh vị trí dự định xây nhà, xem có nhà yến nào gần đó không, số lượng chim bay ra bay vào nhiều không.

Thứ hai là sử dụng loa phát tiếng chim để kiểm tra thử. Chim yến có đôi tai vô cùng thính, thậm chí chúng còn dò đường bằng cả âm thanh. Do đó, chỉ cần phát âm thanh dẫn dụ chim, nếu chúng ở gần đó, nhất là đang bay trên tầng mây cao mà nghe thấy sẽ sà xuống ngay.

Có thể sử dụng loa phát tiếng chim để kiểm tra thử xem nơi nào đó nhiều chim yến hay không
Có thể sử dụng loa phát tiếng chim để kiểm tra thử xem nơi nào đó nhiều chim yến hay không

Sau khi phát âm thanh dụ chim, nếu thấy chim yến bay đến nhiều thì có thể yên tâm chọn vị trí đó để xây nhà yến. Còn nếu chim lượn ít, chỉ khoảng 5 – 10 con thì nên thử lâu hơn. Trong trường hợp đã thử nhiều lần, nhiều ngày mà số lượng chim yến vẫn đến ít thì tốt nhất hãy đổi địa điểm khác.

Thời gian kiểm tra lý tưởng là vào tầm chiều, khoảng 16 đến 18 giờ (khi trời chiều và chạng vạng tối). Lúc này chim yến thường dạo chơi, chuẩn bị bay về tổ. Thời lượng phát âm khoảng 30 – 60 phút/lần.

Xem thêm:

Tránh vị trí bán kính 10km đã có nhà yến

Nơi tập trung nhiều nhà yến thường có nhiều chim yến sinh sống. Xây nhà ở khu vực này tỷ lệ thành công cao hơn. Tuy nhiên đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Bởi quá nhiều nhà yến gần nhau dễ dẫn đến cạnh tranh cao.

Tốc độ tăng trưởng, phần đàn của quần thể chim yến dù nhanh song vẫn có hạn. Việc xây quá nhiều nhà yến gần nhau trong khi đàn chim yến không kịp tăng trưởng và phân đàn sẽ gây tình trạng mất cân bằng. Đây chính là một trong các lý do vì sao sau khi xây dựng nhà yến, dù khu vực đó có mật độ chim yến cao nhưng lại không thể dẫn dụ được nhiều chim vào nhà.

Không nên xây nhà yến ở những khu vực đã có nhiều nhà yến
Không nên xây nhà yến ở những khu vực đã có nhiều nhà yến

Theo các chuyên gia, chỉ nên xây nhà yến nếu xung quanh trong vòng bán kính 10km chưa có nhà yến nào. Lựa chọn vị trí này thì khả năng nhà yến thành công rất cao, số lượng đàn chim trong nhà dễ tăng đột biến.

Địa tầng cứng cáp

Để tiết kiệm chi phí xây dựng nên xây nhà yến ở những nơi có kết cấu địa tầng cứng cáp. Tránh chọn khu vực đất yếu, vùng trũng bởi chi phí làm móng sẽ cao hơn, mất nhiều công sức và thời gian xây dựng. Ở góc độ phong thuỷ, một khu đất cao ráo, màu mỡ cũng vượng khí hơn.

Giao thông thuận lợi

Giao thông thuận lợi sẽ giúp việc vận chuyển vật tư xây dựng nhà yến dễ dàng hơn. Xe lớn có thể chạy thẳng vào bên trong, tránh bị đội chi phí.

Ngoài ra khoảng cách từ nơi ở đến nhà yến cũng khá quan trọng. Tuy có thể vận hành từ xa nhưng chủ nhà cũng cần thường xuyên đến thăm nom, kiểm tra, thu hoạch tổ yến… Điều này giúp chủ nhà sớm phát hiện và khắc phục sự cố nếu có như: hệ thống âm thanh bị trục trặc, nhà bị dột thấm, dơi bay vào nhà… Thế nên tốt nhất nên xây nhà yến không quá xa nơi ở để thuận tiện đi lại.


Câu hỏi thường gặp về chọn địa điểm xây nhà yến

Xây nhà yến vùng nào tốt nhất?

Trả lời: Các vùng xây nhà yến tốt nhất là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Có nên xây nhà yến ở miền Bắc không?

Trả lời: Không nên xây nhà yến ở miền Bắc. Vì miền Bắc có mùa đông dài, nhiệt độ giảm sâu, chim yến dễ bị do lạnh hay đói. Một số khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng có nhiều nhà yến tuy nhiên nếu xây tại đây phải lắp đặt hệ thống sưởi, chi phí đầu tư và vận hành rất tốn kém. Do đó tốt nhất nên chọn xây nhà yến khu vực từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào.

Xây nhà yến ở miền Tây được không?

Trả lời: Các tỉnh thành miền Tây rất phù hợp để xây dựng nhà yến bởi khí hậu ấm áp quanh năm, nhiều ruộng lúa đem đến nguồn thức ăn dồi dào, môi trường không khí trong lành…

Chia sẻ ý kiến