Cách thiết kế, bố trí lắp đặt lỗ thông gió nhà nuôi yến

Nhà nuôi yến cần lắp các lỗ thông gió, thông hơi để tạo đối lưu không khí trong nhà, giúp tăng cường oxy đồng thời loại bỏ khí độc…

Nhà nuôi chim yến xây đúng kỹ thuật ngoài thoả mãn các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… còn phải đáp ứng được cả vấn đề đối lưu không khí trong nhà.

Vì sao cần lắp đặt lỗ thông gió nhà yến?

Một số người cho rằng tạo đối lưu không khí trong nhà yến là không cần thiết bởi thông gió sẽ làm bay hết mùi vừa xịt, thông gió cũng dễ làm mất ẩm dù máy phun sương vẫn hoạt động liên tục… Đây là một sai lầm.

Vấn đề đối lưu không khí trong nhà yến đóng vai trò rất quan trọng, không thua kém các yếu tố khác như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… Yến là một loài chim vô cùng nhạy cảm với môi trường sống. Nếu gặp bất kỳ điểm bất lợi nào, chim có thể chết hay bay đi tìm nơi ở khác phù hợp hơn.

Rất nhiều trường hợp nhà yến phun sương tạo ẩm đến 90 – 95% nhưng nhiệt độ vẫn cao. Đáng sợ hơn là nhiệt độ càng cao thì càng ẩm. Nhà chưa có chim thì gỗ đã bị mốc.

Lắp lỗ thông gió, tạo đối lưu không khí trong nhà yến sẽ giúp:

Tăng cường oxy

Tương tự những loài động vật khác, chim yến cũng cần hô hấp, hít oxy và thải ra khí cacbonic (CO2). Thậm chí, nhu cầu oxy của chim yến còn cao hơn. Bởi chúng sở hữu cơ quan hô hấp khác biệt, có khả năng tăng cường trao đổi khí khi hô hấp.

Thiết kế thêm các lỗ thông gió, tạo đối lưu không khí bên trong sẽ giúp liên tục cung cấp được nguồn oxy tươi mới cho chim yến
Thiết kế thêm các lỗ thông gió, tạo đối lưu không khí bên trong sẽ giúp liên tục cung cấp được nguồn oxy tươi mới cho chim yến

Xem thêm:

Cơ hoành chim không phát triển, phổi nhỏ lại đàn hồi kém trong khi đó còn bị kẹp vào xương sườn. Nhưng bù lại chim có thêm đến 9 túi khí với thể tích lớn hơn phổi rất nhiều nên chứa được nhiều không khí hơn.

Nhà yến là nơi gần như “kín cổng cao tường”. Nếu quá nhiều chim tập trung trong phòng thì lượng oxy có thể không đáp ứng kịp. Do đó, thiết kế thêm các lỗ thông gió, tạo đối lưu không khí bên trong sẽ giúp liên tục cung cấp được nguồn oxy tươi mới cho chim yến. Tránh không gian ngột ngạt làm chim bị ngộp.

Loại bỏ khí độc, mùi hôi

Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy hoạt động của chim yến trong nhà cũng sản sinh không ít khí độc. Chim yến hít oxy và thải cacbonic. Quá trình trao đổi chất của trứng cũng sinh ra một lượng khí cacbonic nhất định. Đặc biệt, quá trình phân huỷ chất thải của chim, trứng vỡ thối rữa… sinh ra khá nhiều khí amoniac (NH3), hydro sulfide (H2S)… và mùi khó chịu. Khí hydro sulfide rất độc, có tính ăn mòn cao và dễ cháy.

Lắp lỗ thông hơi cho nhà yến sẽ giúp nhanh chóng đưa các khí độc, mùi hôi này ra bên ngoài. Từ đó đảm bảo môi trường sống trong lành hơn cho chim.

Điều hoà nhiệt độ và độ ẩm

Như hầu hết các loài động vật, hoạt động của chim yến cũng toả nhiều nhiệt. Lượng nhiệt của một con chim thì không quá đáng kể. Nhưng nếu rất đông chim bố mẹ, chim non tập trung chung trong một không gian nhỏ và kín thì lượng nhiệt sinh ra sẽ không ít. Bên cạnh đó, quá trình phân huỷ phân cũng sinh nhiệt. Hơi nóng tăng lên dễ kèm theo hơi ẩm, đây là một trong các nguyên nhân khiến gỗ bị nấm mốc, nhanh mục.

Lắp hệ thống thông hơi cho nhà yến có tác dụng điều hoà nhiệt độ và độ ẩm bên trong, giúp nhà yến luôn thoáng mát
Lắp hệ thống thông hơi cho nhà yến có tác dụng điều hoà nhiệt độ và độ ẩm bên trong, giúp nhà yến luôn thoáng mát

Xem thêm:

Lắp hệ thống thông hơi cho nhà yến có tác dụng tạo đối lưu không khí, điều hoà nhiệt độ và độ ẩm bên trong, giúp nhà yến luôn thoáng mát, sạch sẽ, tránh bị hầm bí. Từ đó đem đến môi trường mát mẻ tương tự như hang động tự nhiên, tạo điều kiện lý tưởng để chim yến cư trú, làm tổ và sinh sản.

Không khí luân chuyển đều khắp nhà

Tạo đối lưu không khí tốt còn giúp đưa không khí mát mẻ luân chuyển đều khắp các vị trí trong nhà yến. Tránh các điểm bị tù đọng không khí, đọng mùi.

Các cách thiết kế lỗ thông gió nhà yến

Đặt lỗ thông gió gián tiếp

Cách đặt lỗ thông gió gián tiếp (thông gió chéo) như sau: Tường hai lớp để khe hở ở giữa. Lớp tường bên ngoài đặt gạch bánh ú. Lớp tường bên trong đặt ống nhựa PVC 90 hoặc 114. Ví trị đặt gạch bánh ú và ống nhựa PVC theo đường chéo (không phải thẳng hàng).

Với phương pháp này, đường đi của gió sẽ là từ ngoài qua bánh ú vào khe hở ở giữa, rồi từ khe hở ở giữa đi qua ống nhựa PVC để vào bên trong.

Cách đặt lỗ thông gió gián tiếp (thông gió chéo)
Cách đặt lỗ thông gió gián tiếp (thông gió chéo)

Ưu điểm cách đặt lỗ thông gió gián tiếp là tránh việc gió lùa trực tiếp vào nhà yến, dễ dàng kiểm soát ánh sáng, không bị thất thoát nhiều độ ẩm…

Nhược điểm là không khí đi vào bên trong nhà yến dễ bị ẩm và nóng. Bởi không khí trước khi vào nhà bị dừng hay đọng lại ở khoảng trung gian là khe hở giữa hai lớp tường. Nếu có nắng chiếu vào tường, phần không khí này dễ bị nóng lên. Khi gió lùa từ ngoài bánh ú vào thì khí nóng ở khe hở sẽ đi vào trong nhà.

Đặc biệt, khe hở giữa hai lớp tường rất dễ bị ẩm thấp, nhất là vào mùa mưa. Cộng thêm tối và nóng tạo cơ hội cho rêu, nấm mốc phát triển. Nếu lấy gió từ khe hở này đưa vào nhà yến sẽ vô tình mang luôn cả bào tử nấm vào bên trong, khiến gỗ nhanh bị mốc, mục.

Ngoài ra phương pháp này còn có nhược điểm là rất khó kiểm soát, vệ sinh khe hở giữa hai lớp tường. Môi trường ẩm, nóng và tối dễ dẫn dụ kiến, mối, gián… gây mùi hôi. Khi gió lùa, mùi hôi từ khe hở theo luôn vào trong nhà yến.

Đặt lỗ thông gió trực tiếp

Cách đặt lỗ thông gió trực tiếp như sau: Tường hai lớp để khe hở ở giữa. Đặt ống nhựa PVC 90 hoặc 114 nằm ngang, đi qua cả hai lớp tường. Miệng ống nằm ở lớp tường bên ngoài còn đuôi dẫn vào hẳn bên trong nhà. Với phương pháp này, gió sẽ đi trực tiếp từ bên ngoài qua đường ống nhựa rồi vào luôn bên trong (không qua bước trung gian).

Cách đặt lỗ thông gió trực tiếp
Cách đặt lỗ thông gió trực tiếp

Xem thêm:

Ưu điểm cách đặt lỗ thông gió trực tiếp đó là tạo đối lưu không khí nhanh và mạnh, mang được luồng không khí mát mẻ, trong lành, tươi sạch vào nhà. Tuy cũng có thể dẫn luôn cả khí nóng (vào buổi trưa nắng) nhưng khi nóng từ bên ngoài do đối lưu trên diện rộng nên sẽ mát hơn khí nóng ở giữa hai lớp tường (như cách gián tiếp).

Đặc biệt, khi thông gió trực tiếp, không khí vào nhà yến còn chứa nhiều oxy hơn (do không qua trung gian) vì vậy sẽ tốt hơn. Ngược lại, đối lưu trực tiếp cũng đẩy các khí độc, hơi ẩm, mùi hôi… trong nhà yến thoát ra ngoài nhanh hơn.

Có ba phương pháp đặt lỗ thông gió trực tiếp:

Cách thứ nhất là để trống khe hở ở giữa hai lớp tường.

Cách thứ hai là vẫn để trống khe hở ở giữa hai lớp tường nhưng phía trên cao lắp thêm bánh ú ở lớp tường bên ngoài để dẫn không khí vào khe hở, tạo đối lưu không khí trong khe hở. Điều này giúp hình thành lớp đệm, làm mát hơn cho lớp tường bên trong. Còn lấy gió thì vẫn lấy gió trực tiếp bằng ống PVC đặt xuyên suốt qua hai lớp tường. Không khí trong khe hở giữa hai lớp tường không thể lọt vào bên trong nhà yến.

Cách thứ ba là thêm xốp hoặc tấm cách nhiệt vào giữa hai lớp tường. Khi nắng chiếu vào tường thì chỉ có lớp tường bên ngoài bị nóng, còn lớp tường bên trong vẫn mát mẻ. Nhờ đó mà nhiệt độ nhà yến không bị tác động nhiều. Khả năng cách âm cũng tốt hơn.

Cách thứ hai và cách thứ ba được đánh giá tối ưu hơn cả. Với cách lắp thêm bánh ú thì chi phí rẻ hơn nhưng khe hở ở giữa sẽ rất khó kiểm soát trong vấn đề vệ sinh. Tuy nhiên cũng không ảnh hưởng gì đến bên trong nhà yến. Còn cách thêm xốp hay tấm cách nhiệt thì chi phí cao hơn nhưng bù lại sạch sẽ hơn, đảm bảo cách nhiệt, cách âm tốt.

Cách bố trí lỗ thông hơi nhà yến

Ở phần này sẽ đề cập đến cách bố trí lỗ thông hơi nhà yến theo phương pháp lấy gió trực tiếp.

Vị trí đặt bánh ú

Với phương pháp lấy gió trực tiếp đặt thêm bánh ú để thông hơi làm mát cho khe hở giữa hai lớp tường, vị trí đặt bánh ú như sau:

  • Bánh ú có kích thước 20 x 20cm
  • Phòng làm tổ kích thước cao 3m, ngang 5m

Vị trí đặt bánh ú:

Vị trí bánh ú hàng trên: Cặp bánh ú đầu tiên (đặt bánh ú đôi) cách mép đà trên xuống 30cm, cách cạnh tường vào 80cm. Theo hàng ngang, cặp bánh ú thứ hai cách cặp đầu tiên 80cm, cứ như vậy cặp sau cách cặp trước 80cm kéo dài đến hết chiều ngang tường.

Vị trí và số lượng bánh ú hàng trên có thể tuỳ chỉnh theo điều kiện khí hậu từng vùng
Vị trí và số lượng bánh ú hàng trên có thể tuỳ chỉnh theo điều kiện khí hậu từng vùng

Đặt hàng thông hơi gần sát đà sẽ giúp chống nóng tốt hơn. Không khí nóng thường có xu hướng bay lên cao. Trong khi khe ở giữa tường là khe kín nên khí nóng bay lên cao sẽ thoát ra ngoài.

Ngoài ra còn có tác dụng thoát nước, tránh tình trạng thấm tường, thấm sàn. Sở dĩ cách đà trên 30cm vì nếu tường bên trong bị thấm nước (nước mưa lọt qua bánh ú, tường chống thấm không tốt) thì cũng không ảnh hưởng đến gỗ lắp trong nhà yến bởi gỗ chỉ đóng 20cm ở trên.

Vị trí bánh ú hàng dưới: Cặp bánh ú đầu tiên (đặt bánh ú đôi) cách mép nền từ dưới lên 30cm, cách cạnh tường bên ngoài vào 80cm. Theo hàng ngang, cặp bánh ú thứ hai cách cặp đầu tiên 80cm, cứ như vậy cặp sau cách cặp trước 80cm, kéo dài đến hết chiều ngang tường.

Vị trí đặt ống nhựa

Ống nhựa dùng để thông hơi trong nhà yến có thể sử dụng loại ống nhựa PVC 90 hoặc 114, nhưng 90 phổ biến hơn.

Với phương pháp đặt ống nhựa lấy gió trực tiếp, vị trí đặt ống nhựa như sau:

  • Ống nhựa PVC 90 thêm co nối với một đoạn dài để cản sáng
  • Phòng làm tổ kích thước cao 3m, ngang 5m

Vị trí đặt ống nhựa:

Vị trí ống nhựa hàng trên: Tâm ống nhựa đầu tiên cách mép đà trên xuống 80cm (cách cặp bánh ú đầu tiên 30cm theo trục dọc), cách cạnh tường vào 100cm. Như vậy khi nhìn lên thì ống nhựa sẽ nằm trên trục giữa của cặp bánh ú kéo thẳng xuống. Tương tự, các ống nhựa tiếp theo cũng đặt trên trục giữa của các cặp bánh ú kế tiếp tương ứng, cách cặp bánh ú từ trên xuống 30cm.

C nên thêm co nối với một đoạn dài để cản sáng
Ống nhựa PVC nên thêm co nối với một đoạn dài để cản sáng

Vị trí ống nhựa hàng dưới: Tâm ống nhựa đầu tiên cách mép sàn lên 80cm (cách cặp bánh ú đầu tiên 30cm theo trục dọc), cách cạnh tường vào 100cm. Như vậy khi nhìn từ dưới lên thì ống nhựa sẽ nằm trên trục giữa của cặp bánh ú. Tương tự, các ống nhựa tiếp theo cũng đặt trên trục giữa của các cặp bánh ú kế tiếp tương ứng, cách cặp bánh ú từ dưới lên 30cm.

Cách đặt lỗ thông gió nhà yến được áp dụng với phòng làm tổ có kích thước cao 3m, ngang 5m. Nếu phòng làm tổ cao hơn thì có thể linh hoạt điều chỉnh độ cao bánh ú và ống nhựa sao cho phù hợp.

Ví dụ trên cũng chỉ áp dụng cho những nhà yến ở vùng ít gió, nhiệt độ trung bình cao. Với những nơi nhiệt độ trung bình thấp quanh năm thì nên giảm số lượng bánh ú (từ bánh ú đôi chuyển sang bánh ú đơn) cũng như giảm số lượng ống nhựa, tăng khoảng cách giữa các bánh ú và ống nhựa.

Tuỳ theo đặc điểm khí hậu từng vùng mà có thể giảm mỗi hàng còn 2 – 3 cặp bánh ú hoặc 2 – 3 bánh ú và 2 – 3 ống nhựa. Mỗi bánh ú, ống nhựa có thể cách nhau từ 1 – 2m.

Còn các khu vực có biên độ nhiệt dao động lớn (nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch cao) thì có thể bố trí lỗ thông hơi nhà yến theo hướng dẫn ở trên hoặc điều chỉnh giảm số lượng bánh ú và ống nhựa.

Các ống nhựa thông hơi cần kèm theo nắp đóng kín. Vào mùa mưa hay khi trời chuyển lạnh, nhiệt độ hạ thấp nên đóng các ống thông hơi này lại để tránh chim bị lạnh, bị bệnh.

Để tiết kiệm chi phí, không cần làm lỗ thông hơi ở chuồng cu. Bởi chuồng cu đã có sẵn lỗ ra vào cho chim. Nếu nhà có cầu thang cặp sát tường cũng cần tránh làm lỗ thông hơi ở gần vì dễ bị vướng khi đi lại, rất nguy hiểm.

Cách lắp lưới thông gió nhà yến

Các loại thiên địch như rắn, dơi, gián, chuột, rắn mối, tắc kè… có thể chui vào nhà yến thông qua hệ thống lỗ thông gió, thông hơi. Để tránh tình trạng này cần phải lắp thêm lưới che lỗ thông gió. Có nhiều loại lưới như lưới cao su, lưới nhựa, lưới inox… Trong đó, loại lưới inox 304 được ưa chuộng nhất bởi độ bền cao, chịu lực tốt.

Để tránh thiên địch lọt vào nhà yến cần phải lắp thêm lưới che lỗ thông gió
Để tránh thiên địch lọt vào nhà yến cần phải lắp thêm lưới che lỗ thông gió

Khi chọn lưới thông gió nên tránh sử dụng các loại lưới sợi quá mảnh. Bởi sợi mảnh tuy dễ uốn hơn nhưng lại chịu lực kém, khả năng đứt gãy cao. Tốt nhất nên ưu tiên chọn loại lưới inox dày, cứng cáp, lỗ dưới 2 mm.

Tốc độ luân chuyển không khí chuẩn trong nhà yến

Theo các chuyên gia, tốc độ luân chuyển không khí chuẩn trong nhà yến là từ 0,1 – 0,5m/s. Đây là chỉ số trong nhà yến ở trạng thái bình thường, không có gió lùa, gió thổi mạnh vào nhà. Tất cả việc thiết kế lỗ thông gió nhà yến đều nhằm mục đích giúp nhà yến đạt được chỉ số lý tưởng này. Bởi ở tốc độ đối lưu 0,1 – 0,5m/s, chim yến thường đến sinh sống và làm tổ nhiều.

Chia sẻ ý kiến