Hướng dẫn các cách chưng tổ yến ngon tại nhà

Có rất nhiều cách chưng tổ yến ngon và bổ dưỡng như tổ yến chưng đường phèn, tổ yến chưng táo đỏ, tổ yến chưng hạt sen, tổ yến chưng lê…

Tác dụng của tổ yến chưng

Trong các cách chế biến yến sào, chưng cách thuỷ được sử dụng nhiều nhất. Chưng cách thuỷ giúp mượn sức nóng của hơi nước để làm chín tổ yến. Nhờ đó hạn chế được việc yến tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, giúp bảo toàn đầy đủ thành phần dưỡng chất trong yến sào, tránh tình trạng hao hụt hay biến chất sau khi chế biến.

Yến chưng có thể bảo toàn được đầy đủ thành phần dưỡng chất trong yến sào
Yến chưng có thể bảo toàn được đầy đủ thành phần dưỡng chất trong yến sào

Bên cạnh đó, chưng yến sào cũng có ưu điểm giữ được trọn vẹn hương vị nguyên bản của yến. Cách làm lại đơn giản, không mất nhiều thời gian. Đa số các món yến chưng còn giữ được khá lâu nếu bảo quản đúng cách.

Vì có khả năng lưu lại gần như trọn vẹn các thành phần tinh tuý của yến sào nên những món yến chưng rất giàu dinh dưỡng, “truyền tải” được nguồn dưỡng chất quý báu cho cơ thể người dùng.

Một số tác dụng của tổ yến chưng đáng kể như: cung cấp năng lượng, tăng cường sinh lực, đẩy nhanh phục hồi sức khoẻ sau tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch, bổ não, tăng cường trí nhớ, nâng cao tinh thần, bổ máu, tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hoá…

Ngoài ra, tuỳ vào từng đối tượng như trẻ em, bà bầu, phụ nữ sau sinh, người già, người bệnh hay nữ giới – nam giới nói chung mà yến chưng còn mang đến nhiều lợi ích đặc biệt khác nhau.

Cách sơ chế tổ yến trước khi chưng

Tổ yến có ba loại: tổ yến thô, tổ yến sơ chế rút lôngtổ yến tinh chế. Khi chế biến các món yến chưng đều có thể sử dụng cả ba loại này.

Tổ yến thô: Đây là loại tổ yến nguyên bản thu hoạch từ nhà yến, chưa qua xử lý làm sạch. Do đó, trước khi đem đi chế biến cần ngâm nước, rửa và nhặt lông để loại bỏ hoàn toàn tạp chất.

Xem chi tiết: Cách làm sạch yến thô nhanh nhất

Tổ yến sơ chế rút lông và tổ yến tinh chế: Đây là các loại tổ yến thô đã được xử lý làm sạch hoàn toàn. Tuy nhiên để chắc chắn, trước khi chế biến cũng cần kiểm tra kỹ lại xem còn sót lông không. Đầu tiên hãy ngâm tổ yến trong nước tầm 10 – 20 phút để yến mềm, lúc chưng sẽ chín nhanh và đều hơn. Khi thấy sợi yến bắt đầu tơi và nở thì vớt lên, dùng nhíp kiểm tra kỹ một lượt. Sau đó rửa lại lần nữa và để ráo nước.

Ngâm tổ yến sơ chế rút lông và tổ yến tinh chế trong nước khoảng 10 – 20 phút để yến nở mềm
Ngâm tổ yến sơ chế rút lông và tổ yến tinh chế trong nước khoảng 10 – 20 phút để yến nở mềm

Nước ngâm tổ yến nên là nước lọc hay nước sạch bình thường. Không cần sử dụng nước ấm. Đặc biệt, tránh dùng nước nóng để ngâm bởi có thể làm ảnh hưởng đến thành phần dưỡng chất của tổ yến.

Tuy tổ yến đã được làm sạch nhưng cũng cần kiểm tra kỹ lại xem còn sót lông không
Tuy tổ yến đã được làm sạch nhưng cũng cần kiểm tra kỹ lại xem còn sót lông không

1 tai yến chưng bao nhiêu nước?

Thông thường 1 tai yến chưng với tầm 150 – 300 ml nước. Còn chính xác 1 tai yến chưng bao nhiêu nước sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đầu tiên cần xét đến tai yến nặng bao nhiêu, lớn hay nhỏ. Tai yến có rất nhiều loại với nhiều trọng lượng khác nhau, đa phần dao động trong khoảng từ 7 – 10 gram. Với tai yến nhỏ thì nên chưng ít nước, còn tai yến lớn thì có thể rót nhiều nước hơn.

Thứ hai là sở thích người ăn. Mỗi người có sở thích và khẩu vị khác nhau. Nhiều người thích ăn lỏng để húp được nhiều nước hơn. Một số người lại thích dùng hơi đặc. Do đó, tuỳ vào người ăn mà 1 tai yến sẽ chưng với ít hay nhiều nước.

Thông thường 1 tai yến chưng với tầm 150 – 300 ml nước
Thông thường 1 tai yến chưng với tầm 150 – 300 ml nước

Ngoài ra, lượng nước chưng yến còn cần dựa vào dung tích vật dụng đựng yến khi chưng. Không nên rót nước quá đầy. Bởi khi chín, yến thường nở to gấp 2 – 4 lần (tuỳ theo loại yến) sẽ đẩy mực nước dâng lên cao, cộng thêm bị đun sôi rất dễ trào ra ngoài, gây lãng phí.

Vì thế chỉ nên rót nước tối đa 70 – 75% dung tích vật dụng đựng yến. Nếu chưng nhiều yến tốt nhất nên dùng thố to hoặc nồi sành sứ nhỏ. Về lượng nước tối thiểu khi chưng yến thì cần phủ ngập toàn bộ tổ yến, như vậy yến mới chín đều.

Cách chưng yến trên bếp

Dụng cụ cần chuẩn bị:

Thố chưng yến: Nên ưu tiên dùng thố chưng yến vì thường kèm nắp đậy. Nếu không có sẵn thố thì có thể chưng yến trong chén, bát… Vật dụng đựng yến khi chưng chỉ cần làm bằng thuỷ tinh chịu nhiệt hoặc bằng sành sứ là được.

Nên ưu tiên dùng thố để đựng yến vì thường kèm nắp đậy
Nên ưu tiên dùng thố để đựng yến vì thường kèm nắp đậy

Nồi chưng: Sử dụng một cái nồi to có thể đặt lọt lòng thố yến vào bên trong.

Xửng hấp hoặc khăn nhỏ: Có thể đặt trực tiếp thố yến vào trong nồi chưng. Tuy nhiên, để tránh việc thố yến va đập lạch cạch lúc nước sôi thì nên sử dụng xửng hấp hoặc lót khăn lên mặt đáy nồi trước khi đặt thố yến vào.

Trong trường hợp dùng chén, bát không có nắp đậy, tốt nhất hãy dùng xửng hấp. Bởi xửng sẽ giúp kê chén yến cao hơn, hạn chế bị bắn nước vào lúc sôi. Còn muốn kỹ, tránh nước bốc hơi đọng trên nắp nồi nhiễu xuống chén yến thì có thể bọc miệng chén lại bằng giấy bạc nướng đồ ăn.

Nếu dùng chén, bát không có nắp đậy để đựng yến, tốt nhất hãy dùng xửng hấp
Nếu dùng chén, bát không có nắp đậy để đựng yến, tốt nhất hãy dùng xửng hấp

Hướng dẫn cách chưng yến trên bếp:

Bước 1: Cho tổ yến đã ngâm nở vào thố, rót ngập nước, đậy kín nắp lại hoặc bọc giấy bạc.

Bước 2: Bắc nồi chưng lên bếp ga hoặc bếp điện, lắp xửng hấp hoặc lót khăn vào nồi, rồi đặt thố yến lên trên. Rót một ít nước vào nồi chưng vừa đủ để đun sôi tầm 20 phút không bị cạn. Sau đó đậy kín nắp nồi.

Rót một ít nước vào nồi chưng vừa đủ để đun sôi tầm 20 phút không bị cạn
Rót một ít nước vào nồi chưng vừa đủ để đun sôi tầm 20 phút không bị cạn

Bước 3: Bật bếp. Ban đầu có thể chỉnh lửa hơi to để nước nhanh sôi. Khi thấy nước sôi thì giảm lửa nhỏ liu riu.

Bước 4: Sau tầm 15 – 20 phút, mở nắp nồi cho đường phèn vào thố yến, khuấy đều, chưng thêm tầm 3 – 5 phút rồi tắt bếp. Mở nắp nồi đợi hơi nóng thoát hết, sau đó cẩn thận nhấc thố yến ra ngoài.

Trên đây là 4 bước chưng tổ yến cơ bản, có thể áp dụng cho gần như hầu hết các món yến chưng.

Cách chưng tổ yến bằng nồi nấu chậm

Bên cạnh cách chưng yến truyền thống bằng bếp ga hay bếp điện còn có thể chưng yến bằng nồi nấu chậm (hay nồi điện chưng yến). Đây là loại nồi được thiết kế làm chín thức ăn bằng nhiệt độ thấp. Nhờ đó mà thành phần dưỡng chất trong thức ăn sẽ được lưu giữ, tránh tình trạng phân huỷ, biến tính do gặp nhiệt độ cao.

Chưng yến bằng nồi nấu chậm giúp tránh dưỡng chất bị phân huỷ, biến tính do gặp nhiệt độ cao
Chưng yến bằng nồi nấu chậm giúp tránh dưỡng chất bị phân huỷ, biến tính do gặp nhiệt độ cao

Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm cũng khá đơn giản. Đầu tiên rót nước vào nồi. Sau đó cho yến vào thố chưng, rồi đặt thố yến vào nồi. Bật chế độ nấu chậm. Thời gian chưng tổ yến bằng nồi nấu chậm tầm 60 – 80 phút. Một số nồi nấu chậm hiện nay tích hợp sẵn luôn cả chế độ Chưng yến (Bird’s Nest) rất tiện lợi.

Xem chi tiết: Cách chưng yến bằng nồi nấu chậm, nồi chưng yến

Cách chưng tổ yến bằng nồi cơm điện

Ngoài những cách trên còn có thể chưng yến bằng nồi cơm điện. Loại nồi này hoạt động theo nguyên lý tự động ngắt nguồn điện khi đến điểm sôi nên không cần quá lo việc nhiệt độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến dưỡng chất trong yến sào.

Ngoài những cách trên còn có thể chưng yến bằng nồi cơm điện
Ngoài những cách trên còn có thể chưng yến bằng nồi cơm điện

Cách chưng yến bằng nồi cơm điện cũng tương tự các bước như chưng yến truyền thống bằng bếp ga, chỉ khác nhau ở việc sử dụng nồi cơm điện. Thời gian chưng yến bằng nồi cơm điện cũng tầm 15 – 20 phút.

Xem chi tiết: Cách chưng yến bằng nồi cơm điện

Chưng tổ yến trong bao lâu thì chín?

Tổ yến là một loại thực phẩm rất nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó chưng quá lâu yến sẽ dễ làm mất đi độ giòn, khiến sợi yến bị mềm, nhão. Và quan trọng hơn chưng yến càng lâu càng tăng rủi ro các thành phần dưỡng chất trong yến bị phân huỷ hay biến đổi tính chất.

Có hai loại tổ yến: yến đảo và yến nhà. Bởi hình thành trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, khá khắc nghiệt nên yến đảo thường to, dày và nặng hơn yến nhà. Vì thế thời gian chưng tổ yến đảo và tổ yến nhà có sự khác biệt.

Thời gian chưng tổ yến nhà:

  • Thời gian chưng tổ yến trên bếp: 15 – 20 phút
  • Thời gian chưng tổ yến bằng nồi cơm điện: 15 – 20 phút
  • Thời gian chưng tổ yến bằng nồi điện, nồi nấu chậm (nồi chưng yến): 60 – 80 phút
Thời gian chưng yến nhà trên bếp ga từ 15 – 20 phút
Thời gian chưng yến nhà trên bếp ga từ 15 – 20 phút

Thời gian chưng tổ yến đảo:

  • Thời gian chưng tổ yến trên bếp: 30 – 40 phút
  • Thời gian chưng tổ yến bằng nồi cơm điện: 30 – 40 phút
  • Thời gian chưng tổ yến bằng nồi điện, nồi nấu chậm (nồi chưng yến): 120 – 160 phút

Để làm phong phú hơn hương vị và nguồn dưỡng chất của món yến chưng có thể kết hợp thêm nhiều loại nguyên phụ liệu khác như táo đỏ, hạt sen, hạt chia, kỷ tử, nhãn nhục, nhân sâm… Tuỳ vào đặc tính của mỗi nguyên liệu mà sẽ có cách sơ chế, chế biến khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung dù kết hợp chưng yến với loại thực phẩm nào thì vẫn dựa vào 4 bước chưng yến cơ bản đã hướng dẫn ở trên.

Cách chưng tổ yến đường phèn

Về mặt lợi ích sức khoẻ, đường phèn được đánh giá cao hơn đường trắng. Theo Đông y, đường phèn có vị ngọt thanh, tính bình, vào tỳ và phế. Không chỉ đơn giản là một loại gia vị, đường phèn còn có tác dụng khai vị trợ tiêu hoá, bổ trung ích khí, hoà vị nhuận phế, chỉ khái trừ đàm… Đây chính là lý do vì sao khi chế biến các món ăn bổ dưỡng, người ta thường dùng đường phèn thay vì đường trắng.

Yến sào chưng đường phèn là cách chế biến yến đơn giản nhất nhưng cũng rất bổ dưỡng
Yến sào chưng đường phèn là cách chế biến yến đơn giản nhất nhưng cũng rất bổ dưỡng

Cách chưng tổ yến đường phèn cực chỉ cần thực hiện theo 4 bước hướng dẫn ở trên. Tuy nhiên có một lưu ý là nên cho đường phèn vào thố yến khi yến đã chín, trước lúc tắt bếp tầm 3 – 5 phút. Không ít người thường cho đường phèn vào chưng chung với tổ yến ngay từ đầu. Điều này không nên bởi sẽ khiến sợi yến lâu chín hơn và có thể bị chai, không mềm giòn tự nhiên.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách làm tổ yến chưng đường phèn

Cách chưng tổ yến gừng

Khi làm tổ yến chưng đường phèn nhiều người thường cho thêm vài lát gừng. Đây không chỉ đơn giản là một sự kết hợp giúp tăng thêm hương vị mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Bởi tổ yến có tính bình, đường phèn tính mát nên thêm gừng có tính ấm sẽ giúp tạo được sự cân bằng cho món ăn. Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, kháng viêm, cải thiện chức năng tiêu hoá, giảm lượng cholesterol trong máu, hỗ trợ chữa trị các chứng đầy hơi, táo bón, buồn nôn…

Yến chưng vơi gừng không chỉ tăng thêm hương vị mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ
Yến chưng vơi gừng không chỉ tăng thêm hương vị mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ

Cách làm tổ yến chưng gừng cũng như tổ yến chưng đường phèn. Gừng có thể xắt nhuyễn hoặc xắt lát để nguyên cả vỏ (bởi vỏ cũng chứa nhiều tinh chất). Nên cho gừng vào cùng lúc với đường phèn, khi yến đã vừa chín, trước lúc tắt bếp 5 – 7 phút. Không chỉ riêng tổ yến chưng đường phèn gừng mà hầu hết các món yến chưng khác như với táo đỏ, hạt sen, hạt chia, đông trùng hạ thảo… đều có thể cho thêm gừng vào.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến với gừng

Cách chưng tổ yến táo đỏ

Từ rất sớm người ta đã phát hiện táo đỏ là một loại thực phẩm lẫn dược liệu có nhiều công dụng tốt với sức khoẻ. Táo đỏ chứa nhiều nước, protein, khoáng chất, đặc biệt hàm lượng chất xơ rất cao và nguồn vitamin cũng vô cùng đa dạng.

Táo đỏ có thời gian chín lâu hơn yến nên cần hầm hơi mềm trước khi cho vào chưng chung với tổ yến
Táo đỏ có thời gian chín lâu hơn yến nên cần hầm hơi mềm trước khi cho vào chưng chung với tổ yến

Cách chưng tổ yến với táo đỏ khá đơn giản. Vì táo đỏ có thời gian chín lâu hơn yến nên cần hầm hơi mềm trước khi cho vào chưng chung với tổ yến. Thời gian hầm mềm táo đỏ tầm 10 phút. Có thể sử dụng nước hầm táo đỏ để làm nước chưng tổ yến.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến táo đỏ

Cách chưng tổ yến hạt sen

Hạt sen là loại thực phẩm rất quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á. Ngành y học hiện đại ngày nay đã chứng minh hạt sen có giá trị dinh dưỡng rất cao. Bởi bên trong hạt sen chứa nhiều protein, chất xơ, chất béo tốt, khoáng chất, vitamin…

Về cách sơ chế hạt sen, nếu dùng hạt khô thì cần ngâm nước 1 – 1,5 tiếng để hạt sen mềm. Còn sử dụng hạt sen tươi thì bóc sạch vỏ, tách lấy tâm sen ra.

Yến chưng hạt sen có giá trị dinh dưỡng rất cao
Yến chưng hạt sen có giá trị dinh dưỡng rất cao

Cách chưng tổ yến hạt sen khá giống táo đỏ. Vì hạt sen cũng có thời gian chín lâu hơn tổ yến (thậm chí lâu hơn cả táo đỏ) nên cần hầm mềm trước khi đem chưng chung với tổ yến. Thời gian hầm chín hạt sen tầm 10 – 15 phút.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến hạt sen

Cách chưng tổ yến hạt chia

Hạt chia là một loại hạt rất giàu dinh dưỡng, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Trong ngôn ngữ của người Maya cổ đại, từ “chia” mang nghĩa là “sức mạnh”. Các nhà khoa học tìm thấy trong hạt chia có một lượng axit béo omega-3 rất lớn, ngoài ra còn có chất xơ, protein, chất khoáng và vitamin.

Hạt chia là một loại hạt rất giàu dinh dưỡng, có nguồn gốc từ châu Mỹ
Hạt chia là một loại hạt rất giàu dinh dưỡng, có nguồn gốc từ châu Mỹ

Cách chưng tổ yến hạt chia cực kỳ đơn giản bởi không cần “làm gì” với hạt chia. Sau khi tổ yến chưng xong, đem ra khỏi nồi mới rắc hạt chia vào. Đợi tầm 3 – 5 phút, hạt chia hút nước tự động nở mềm là có thể dùng được.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến hạt chia

Cách chưng tổ yến đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo là một loại dược quý trong y học cổ truyền phương Đông. Theo Đông y, đông trùng hạ thảo mang vị ngọt, tính ấm, quy kinh phế và thận, giúp bổ phế, chỉ huyết, hoá đàm, ích can thận, bổ tạng phủ… Y học hiện đại cũng phân tích và tìm thấy trong đông trùng hạ thảo có đến 17 loại axit amin cùng nhiều loại khoáng chất và vitamin.

Yến chưng đông trùng hạ thảo giúp bổ phế, chỉ huyết, hoá đàm, ích can thận, bổ tạng phủ…
Yến chưng đông trùng hạ thảo giúp bổ phế, chỉ huyết, hoá đàm, ích can thận, bổ tạng phủ…

Hiện nay có hai loại đông trung hạ thảo là tự nhiên và nuôi cấy. Có thể sử dụng cả hai loại này để kết hợp chưng chung với tổ yến. Cách chưng tổ yến đông trùng hạ thảo không quá cầu kỳ. Đông trùng hạ thảo trước khi chế biến chỉ cần rửa và ngâm trong nước ấm tầm 30 độ C. Sau đó cho vào thố, chưng cùng lúc với tổ yến.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách làm tổ yến chưng đông trùng hạ thảo

Cách chưng tổ yến saffron

Saffron (nhuỵ hoa nghệ tây) là một trong những loại gia vị đắt nhất thế giới. Sở dĩ được gọi là “gia vị vàng” vì trong thành phần saffron chứa hàm lượng cao 4 hợp chất chống oxy hoá là kaempferol, safranal, crocin và crocetin rất quý. Những chất này có thể giúp làm chậm tiến trình lão hoá, hỗ trợ phòng chống ung thư, tăng cường trí nhớ, làm đẹp da…

Yến chưng saffron có thể giúp làm chậm tiến trình lão hoá, hỗ trợ phòng chống ung thư, tăng cường trí nhớ, làm đẹp da…
Yến chưng saffron có thể giúp làm chậm tiến trình lão hoá, hỗ trợ phòng chống ung thư, tăng cường trí nhớ, làm đẹp da…

Cách làm tổ yến chưng saffron cũng như chưng tổ yến với đường phèn. Cho saffron vào thố yến cùng lúc với đường phèn khi yến chưng đã chín, trước lúc tắt bếp tầm 3 – 5 phút. Saffron mua có thể dùng ngay, không cần rửa hay sơ chế.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến saffron

Cách chưng tổ yến sữa tươi

Tổ yến chưng sữa tươi sẽ là món ăn rất phù hợp với những ai thích vị béo ngậy của sữa. Ngoài đem đến hương vị độc đáo hơn cho yến chưng, sữa tươi còn giúp bổ sung thêm đạm, nhiều khoáng chất và vitamin.

Yến chưng sữa tươi sẽ là món ăn rất phù hợp với những ai thích vị béo ngậy của sữa
Yến chưng sữa tươi sẽ là món ăn rất phù hợp với những ai thích vị béo ngậy của sữa

Cách làm tổ yến chưng sữa tươi tưởng dễ nhưng lại không hề đơn giản. Bởi rót sữa tươi vào thố yến lúc nào thì không phải ai cũng biết. Nhiều người thường cho sữa tươi chưng chung với yến ngay từ đầu. Điều này tuyệt đối không nên. Bởi đun sôi sữa sẽ khiến các thành phần dưỡng chất bị phân huỷ hay biến tính. Do đó, thời điểm lý tưởng nhất để cho sữa vào chưng chung với yến sào là trước 3 phút tắt bếp.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách làm tổ yến chưng sữa tươi

Cách chưng tổ yến lê

Tổ yến chưng lê là một món vừa bổ dưỡng vừa có cách trình bày độc đáo. Điểm đặc biệt của món này là thay vì đựng yến trong thố chưng thì sẽ cho trực tiếp vào trái lê (lê được khoét hình chén). Quả lê có chứa nhiều loại đường tốt, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Yến chưng lê ngoài thơm ngon còn rất thanh mát, giải nhiệt hiệu quả, tốt cho sức khoẻ.

Yến chưng lê là một món vừa bổ dưỡng vừa có cách trình bày độc đáo
Yến chưng lê là một món vừa bổ dưỡng vừa có cách trình bày độc đáo

Cách làm tổ yến chưng lê tuy hơi cầu kỳ hơn các món yến chưng khác nhưng cũng không quá khó. Quả lê sau khi rửa sạch có thể giữ nguyên vỏ, dùng muỗng khoét sâu ruột để tạo thành một cái chén đựng yến. Khi chưng yến lê nên sử dụng xửng hấp để đặt lê cách xa nước.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến với lê

Cách chưng tổ yến nhân sâm

Nhân sâm là một trong tứ đại danh dược “Sâm – Nhung – Quế – Phụ”. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng tìm thấy trong nhân sâm có ít nhất 14 loại axit amin, nhiều loại gluco và khoáng chất. Tổ yến chưng nhân sâm được xem là món đại bổ giúp cường thân, bổ trí não, chắc xương khớp, tăng cường hệ miễn dịch…

Tổ yến chưng nhân sâm là món đại bổ giúp cường thân, bổ trí não, chắc xương khớp…
Tổ yến chưng nhân sâm là món đại bổ giúp cường thân, bổ trí não, chắc xương khớp…

Làm tổ yến chưng nhân sâm sử dụng nhân sâm tươi hoặc khô đều được. Với nhân sâm tươi thì rửa sạch rồi cắt lát hoặc cắt khúc. Còn loại khô thì cần ngâm nước để nhân sâm mềm, nhanh chín. Thời gian chín của nhân sâm lâu hơn yến khá nhiều nên cần hầm trước. Sau đó mới múc nhân sâm cho vào thố chưng chung với yến.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách làm tổ yến chưng nhân sâm

Cách chưng tổ yến lá dứa

Lá dứa sẽ giúp yến chưng đặc sắc hơn về cả sắc lẫn hương và vị. Ngoài ra đây còn là một loại thảo dược có nhiều công dụng như bổ phế, trị các chứng sốt cao, cảm mạo, ho, tứ chi đau nhức…

Yến chưng lá dứa không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng
Yến chưng lá dứa không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng

Có hai cách chưng tổ yến lá dứa. Thứ nhất là để nguyên lá dứa, cắt đoạn hoặc bó gọn cho vào chưng chung với tổ yến. Thứ hai là xay rồi vắt lấy nước cốt, đổ nước cốt này vào thố yến. Không nên cho lá dứa hay nước cốt lá dứa vào chưng chung với yến quá sớm, tốt nhất chỉ thêm vào tầm 5 – 7 phút trước lúc tắt bếp.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách chưng tổ yến lá dứa

Cách chưng tổ yến nhãn nhục

Tổ yến chưng nhãn nhục có vị ngọt thanh, vừa dai dai, vừa giòn giòn rất ngon. Đây là món ăn được nhiều người yêu thích, nhất là các bé nhỏ. Nhãn nhục (còn gọi là long nhãn) chứa nhiều chất giúp ngăn ngừa lão hoá, tăng cường độ đàn hồi mạch máu, thúc đẩy lưu thông khí huyết… Trong Đông y, nhãn nhục được xem là một loại thuốc có tác dụng bổ tâm, an thần, bồi bổ cơ thể, dưỡng huyết tráng dương…

Yến chưng nhãn nhục có vị ngọt thanh, vừa dai dai, vừa giòn giòn rất ngon
Yến chưng nhãn nhục có vị ngọt thanh, vừa dai dai, vừa giòn giòn rất ngon

Cách làm tổ yến chưng nhãn nhục rất đơn giản. Nhãn nhục trước khi chế biến chỉ cần ngâm nước khoảng 10 – 15 phút để nhãn nở mềm ra. Sau đó cho nhãn nhục vào chưng chung với yến sào tầm 15 – 20 phút. Do nhãn nhục thường sẵn có vị ngọt nên chú ý điều chỉnh lượng đường phèn phù hợp. Khi làm yến chưng nhãn nhục, để đặc sắc hơn có thể thêm phổ tai, táo đỏ…

Cách chưng tổ yến nước dừa

Với những ai thích vị béo ngậy, thơm ngọt của nước dừa thì chắc chắn không thể bỏ qua món tổ yến chưng nước dừa. Có hai cách làm tổ yến chưng nước dừa đó là sử dụng nước dừa tươi hoặc nước cốt dừa.

Với tổ yến chưng nước dừa tươi nên chọn dừa xiêm. Có thể tận dụng trái dừa để làm thố chưng yến. Đầu tiên gọt bớt lớp nhỏ bên ngoài, cắt ngang phần một phần nhỏ phía trên của trái dừa để làm nắp đậy, rót ½ nước dừa bên trong ra ngoài. Sau đó cho tổ yến vào, đậy nắp dừa lại và đặt vào nồi chưng. Thời gian chưng cũng khoảng 15 – 20 phút. Vì nước dừa thường ngọt nên có thể không cần thêm đường phèn hay chỉ thêm một ít.

Với những ai thích vị béo ngậy, thơm ngọt của nước dừa thì chắc chắn không thể bỏ qua món yến chưng nước dừa
Với những ai thích vị béo ngậy, thơm ngọt của nước dừa thì chắc chắn không thể bỏ qua món yến chưng nước dừa

Còn món tổ yến chưng nước cốt dừa, cách làm tương tự như yến chưng đường phèn thông thường. Sau khi chưng yến tầm 10 phút thì cho nước cốt dừa vào. Sau 5 phút cho tiếp đường phèn rồi đợi khoảng 5 phút nữa là có thể tắt bếp. Lưu ý lượng nước cốt dừa thêm vào tuỳ khẩu vị mỗi người. Nếu thích béo ngậy có thể cho nhiều một chút.

Cách chưng tổ yến nha đam

Nha đam (còn gọi là lô hội) sở hữu hàm lượng vitamin B12 và folate rất cao. Ngoài ra còn chứa đến hơn 23 loại axit amin cùng nhiều khoáng chất như đồng, canxi, selen, magie… Tổ yến chưng nha đam có thể giúp hỗ trợ điều trị táo bón, tăng cường lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy giải độc gan, kháng viêm, dưỡng da và làm đẹp da…

Yến chưng nha đam có thể giúp hỗ trợ điều trị táo bón, tăng cường lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy giải độc gan, đẹp da…
Yến chưng nha đam có thể giúp hỗ trợ điều trị táo bón, tăng cường lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy giải độc gan, đẹp da…

Cách làm tổ yến chưng nha đam cũng không quá phức tạp. Với nha đam, trước tiên cần tách vỏ lấy phần thịt bên trong, xắt hạt lựa vừa ăn. Sau đó ngâm nha đam trong nước muối loãng và rửa thật sạch đến khi hết nhớt. Bắc nồi nước sôi chần nha đam, rồi cho ngay vào nước lạnh để nha đam giòn và không bị đắng. Tiếp theo nấu nha đam với một lượng nước vừa đủ (thêm ít đường phèn).

Còn về phần yến sào thì vẫn làm chín riêng bằng phương pháp chưng cách thuỷ. Sau đó mới hoà trộn tổ yến đã chưng và nha đam đã nấu chín với nhau.

Cách chưng tổ yến đu đủ

Ít ai biết yến sào còn có thể chưng với đu đủ tạo ra một món ngọt vô cùng độc đáo, vừa lạ vị vừa thanh mát lại cực kỳ bổ dưỡng. Đu đủ chứa hàm lượng chất xơ rất cao, nhiều vitamin A, vitamin B, canxi… đặc biệt là không có chất béo và cholesterol.

Yến sào có thể chưng với đu đủ tạo ra một món ngọt vô cùng độc đáo, vừa lạ vị vừa thanh mát lại cực kỳ bổ dưỡng
Yến sào có thể chưng với đu đủ tạo ra một món ngọt vô cùng độc đáo, vừa lạ vị vừa thanh mát lại cực kỳ bổ dưỡng

Tổ yến chưng đu đủ giúp cải thiện tiêu hoá, nâng cao sức khoẻ tim mạch, làm đẹp da và tóc… Ngoài ra món ăn này còn có khả năng hỗ trợ điều trị táo bón, ngăn ngừa ung thư, giảm đau khi tới kỳ kinh nguyệt…

Cách chưng tổ yến với đu đủ cũng như yến chưng lê. Trái đu đủ rửa sạch (có thể bào vỏ hoặc không), cắt ngang ở phần trên tạo thành nắp đậy. Vì lõi bên trong đu đủ thường rỗng nên không phải dùng muỗng khoét như lê, chỉ cần cạo lấy hết hạt ra ngoài là được. Sau đó cho tổ yến vào, rót ngập nước, đậy nắp đu đủ lại, đặt lên xửng và hấp cách thuỷ khoảng 15 – 20 phút.

Cách chưng tổ yến kỷ tử

Kỷ tử không chỉ giúp yến chưng có hương vị đặc biệt hơn mà còn đem lại nhiều công dụng tốt. Kỷ tử giàu chất xơ, có nhiều loại đường tốt, hàm lượng vitamin A, vitamin C và sắt rất cao. Yến chưng kỷ tử có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khoẻ mắt, thúc đẩy thải độc gan, củng cố xương khớp, làm đẹp da, tinh thần vui tươi hơn…

Yến chưng kỷ tử có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khoẻ mắt…
Yến chưng kỷ tử có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khoẻ mắt…

Cách chưng tổ yến kỷ tử tương tự yến chưng đường phèn. Người nấu chỉ cần cho thêm kỷ tử vào chưng chung với yến ngay từ đầu. Ngoài chưng riêng yến với kỷ tử, còn có thể kết hợp chưng yến với kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục…

Bên cạnh chưng cách thuỷ như trên, tổ yến còn có nhiều cách chế biến cũng rất ngon và bổ dưỡng khác như nấu chè tổ yến, cháo tổ yến, súp tổ yến, canh tổ yến hay tổ yến hầm…


Câu hỏi thường gặp về cách chưng tổ yến

Làm sao để chưng tổ yến không bị mất chất?

Trả lời: Cách chưng yến không bị mất chất là chưng đúng thời gian và đúng độ lửa. Thời gian chưng quá lâu hay lửa quá lớn sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng dưỡng chất có trong tổ yến. Thông thường chỉ cần chưng tổ yến tầm 15 – 20 phút với lửa nhỏ.

Chưng yến có cần cho nước không?

Trả lời: Chưng tổ yến bắt buộc phải có nước bởi trong khi chưng tổ yến tiếp xúc với nước mới có thể nở mềm được.

Chưng yến có nên đậy nắp không?

Trả lời: Chưng tổ yến nên đậy nắp kín. Điều này sẽ giúp tổ yến nhanh chín hơn, lưu giữ dưỡng chất tốt hơn. Đặc biệt khi nước trong nồi sôi sẽ không lọt vào thố chưng.

48

Chia sẻ ý kiến